Hành hương La Vang – Về bên nhà Mẹ.

Hàng năm, cứ mỗi tháng Tám, vào dịp lễ Trọng Đức Mẹ lên trời. Khắp mọi miền trên đất nước, hàng ngàn tín hữu về bên Mẹ La Vang để kín múc sức mạnh và hy vọng. Từ lâu, hành hương kính viếng Đức Mẹ đã trở nên một truyền thống và nhu cầu không thể thiếu của các Kitô hữu Việt Nam.

Hành hương về La Vang hay còn có cách gọi thân thuộc hơn là đi về nhà Mẹ. Về bên Mẹ và thể hiện tấm lòng yêu mến của con cái dành cho Mẹ. Những ai hành hương đến La Vang vào dịp trung tuần tháng Tám mỗi năm, có lẽ đều cảm nhận được phần nào đó xúc động trong bầu không khí thiêng liêng tại Thánh Đường. Đó chính là những lúc từng lớp người và chính bản thân quỳ cầu nguyện Đức Mẹ tại linh đài, hay lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa, rước kiệu Đức Mẹ, và đặc biệt nhất là tham dự Thánh lễ,… 

Về bên Mẹ La Vang thực sự là đi vào trong cảm giác chiêm nghiệm, sự tĩnh tâm, và điều này giúp khơi dậy những cảm xúc đạo đức sâu bên trong lòng của mỗi người. Đi vào cuộc hành hương, sâu xa hơn nữa, còn là lời tuyên xưng đức tin, và là hành động biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa vì muôn ơn lành Người đã thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Ta cùng quay ngược lại quá khứ, trở lại với bối cảnh Đức Mẹ đã hiện lên trong lúc giáo dân cần Người nhất. Dưới triều vua Cảnh Thịnh, vì sự càn quét bởi sắc lệnh cấm đạo mà vua ban xuống, giáo dân đã chạy trốn vào vùng rừng thiêng nước độc, đồi núi hẻo lánh này. Họ phải trú ẩn trong các chòi tranh, dưới các gốc cây, hoặc lùm bụi. Cùng thời điểm lại xảy ra bệnh dịch hoành hành. Nhiều người đã bỏ mạng tại nơi hoang địa này. Trong hoàn cảnh khốn khó ấy, giáo hữu chỉ biết cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ. Dưới đám cỏ gần một gốc cây đa, họ hợp nhau, lần hạt và kêu xin Mẹ cứu chữa.

Trong bối cảnh đó, Đức Mẹ đã hiện đến, đó là một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng dài, trên tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Mẹ dạy họ hái loại cây lá vằng có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Và không quên nhắn nhủ: ”Các con hãy tin tưởng, hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sứ điệp của La Vang chính là sứ điệp của hy vọng. Trước đây và trong hiện tại vẫn mãi là sứ điệp gieo niềm hy vọng. Dù Giáo hội phải đối diện với bao thử thách, dù mỗi người và mỗi gia đình vẫn phải đương đầu với bao gian nan trong cuộc sống, chúng ta đừng để mình bị nhận chìm trong thất vọng. Cứ vững tin vào lời Đức Mẹ đã hứa.